Ritesh Agarwal, người sáng lập chuỗi khách sạn OYO lớn nhất Ấn Độ bỏ học năm 17 tuổi, trở thành triệu phú ở tuổi 22 và hiện là CEO của công ty được định giá 5 tỷ USD.
Bỏ học – đó là điều đầu tiên mọi người nói về Ritesh Agarwal, người sáng lập OYO – chuỗi khách sạn lớn nhất Ấn Độ hiện nay. Thậm chí, bố mẹ của anh còn dự đoán trước được điều này khi thấy cậu con trai đi bán SIM card vào năm 13 tuổi.
Thực tế, để làm vui lòng bố mẹ, Ritesh đã đăng ký theo học chương trình đào tạo quốc tế của Đại học London tại Trường Tài chính và Kinh doanh Ấn Độ. Tuy nhiên, hầu hết thời gian, anh lại dành để tham gia các sự kiện cho doanh nhân và đi du lịch để tìm ý tưởng kinh doanh.
“Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã xác định con đường sự nghiệp của mình – Tôi chỉ muốn trở thành một doanh nhân”, Ritesh bộc bạch. Đó cũng chính là lý do anh quyết định bỏ học năm 17 tuổi.
Thay vì ngày ngày đến trường như các bạn đồng trang lứa, Ritesh lại tham gia Thiel Fellowship – một chương trình do Peter Thiel, nhà đồng sáng lập PayPal và nhà đầu tư vào mạng xã hội Facebook khởi xướng. Mỗi năm, chương trình này tài trợ cho 20 thanh niên nghỉ học, giúp họ bắt tay vào kinh doanh. “Đó là điều tuyệt vời nhất đã đến với tôi”, Ritesh chia sẻ về cơ hội nhận được từ Thiel Fellowship.
Sinh ra trong một gia đình bình dân ở Ấn Độ, Ritesh không có cơ hội được ở khách sạn hay đi du lịch. Năm 12 tuổi, anh được chọn làm đại diện của trường tham dự một cuộc thi cấp tỉnh, được tổ chức cách nhà khoảng vài giờ lái xe. Những ấn tượng đầu tiên về dịch vụ phòng kém chất lượng trong chuyến đi này là động lực để cậu bé nuôi dưỡng ước mơ mở chuỗi khách sạn trong tương lai.
Năm 2013, khi mới 19 tuổi, Ritesh Agarwal thành lập OYO – công ty quản lý chuỗi khách sạn bình dân, nhượng quyền và cho thuê từ các chủ sở hữu độc lập.
Phương thức hoạt động của OYO là hợp tác với các khách sạn không có thương hiệu để cải thiện chất lượng phòng, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu cho khách sạn này bằng tên OYO, và hưởng phần trăm doanh thu của các khách sạn tham gia mạng lưới. Đổi lại, chủ sở hữu của khách sạn được hưởng lợi từ tỷ lệ đặt phòng cao hơn nhờ thương hiệu OYO.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, ngoài quản lý website đặt phòng, mỗi ngày Ritesh đều làm công việc của người dọn phòng để tìm hiểu những vấn đề cần cải thiện về chất lượng dịch vụ.
OYO được định giá 5 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng 9/2018. Ảnh: Shutterstock.
Bước ngoặt đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của OYO là thời điểm nhận được 100 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ Silicon Valley Sequoia và SoftBank năm 2015. Với số vốn trên, Ritesh mở rộng mô hình kinh doanh và đưa OYO trở thành thương hiệu khách sạn được yêu thích nhất tại Ấn Độ. Thành công của OYO cũng đưa chàng trai trẻ trở thành triệu phú khi mới 22 tuổi và lọt vào Top 30 under 30 châu Á của tạp chí Forbes năm 2016.
Tháng 9/2018, OYO tuyên bố gọi vốn thành công 1 tỷ USD từ SoftBank, Lightspeed, Sequoia và Greenoaks Capital và được định giá 5 tỷ USD. Khi đó, CEO Ritesh mới 24 tuổi.
Ngoài quê nhà Ấn Độ, OYO cũng mở rộng hoạt động tại nhiều quốc gia khác với mô hình nhượng quyền thương mại. Theo thông tin do công ty công bố, OYO là chuỗi khách sạn lớn thứ 5 thế giới, lớn nhất tại khu vực Nam Á, lớn thứ 2 tại Trung Quốc và phát triển nhanh nhất trong mảng nhượng quyền, cho thuê khách sạn, nhà ở, không gian sống.
Trên toàn cầu, OYO đang có hơn 23.000 khách sạn và 46.000 nhà nghỉ. Hiện, cùng với sự tham gia của Leisure Group, khách sạn mang thương hiệu của công ty đã hiện diện ở hơn 800 thành phố của 80 quốc gia, trong đó bao gồm: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Anh, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và khu vực Trung Đông.
“Đến năm 2023, Oyo sẽ trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Tiêu chí mà chúng tôi theo đuổi là đảm bảo một không gian sống chất lượng, sạch sẽ và giá cả phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng”, Ritesh tiết lộ tham vọng.
Chuỗi khách sạn này vừa gia nhập thị trường Việt Nam với 90 khách sạn nhượng quyền đầu tiên tại 6 tỉnh thành, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang. OYO lên kế hoạch sẽ đầu tư hơn 50 triệu USD vào Việt Nam trong những năm tới, tạo ra khoảng 1.500 việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Theo NDH